-
By FPTU Admin
-
Tin tức
-
Feb 17, 2025
BÁO CÁO ESG LÀ GÌ? CÁC KHUNG TIÊU CHUẨN CỦA BÁO CÁO ESG
1. Giới thiệu về báo cáo ESG
Báo cáo ESG (Môi trường - Environmental, Xã hội - Social, Quản trị - Governance) là quá trình doanh nghiệp công bố thông tin về những tác động của mình đến môi trường, xã hội và cách thức quản trị. Báo cáo ESG không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp lý mà còn tăng tốc thu hút đầu tư, cải thiện danh tiếng và quản lý rủi ro hiệu quả.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
2. Các tiêu chí của báo cáo ESG
Báo cáo ESG bao gồm ba trụ cột chính:
Môi trường (Environmental): Quá trình hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng đến môi trường như thế nào (khí thải carbon, quản lý năng lượng, tái chế).
Xã hội (Social): Doanh nghiệp đã thực hiện trách nhiệm xã hội như thế nào (quyền lao động, bình đẳng giới, an toàn lao động).
Quản trị (Governance): Tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp (chính sách chống tham nhũng, độc lập của hội đồng quản trị).
Các tiêu chí báo cáo của ESG. (Nguồn ảnh: Internet)
3. Các khung tiêu chuẩn của báo cáo ESG
Tựa vào quy mô và nhu cầu báo cáo, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong các khung tiêu chuẩn sau:
Global Reporting Initiative (GRI): Cung cấp hướng dẫn báo cáo bền vững toàn diện, bao gồm tác động kinh tế, môi trường và xã hội. GRI là một trong những tiêu chuẩn phổ biến nhất, giúp doanh nghiệp báo cáo một cách có cấu trúc và minh bạch về các vấn đề ESG quan trọng đối với hoạt động của họ.
Sustainability Accounting Standards Board (SASB): Đưa ra các tiêu chuẩn báo cáo cụ thể theo ngành, giúp doanh nghiệp xác định và công bố các yếu tố ESG có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tài chính của họ. SASB hướng đến việc cung cấp thông tin quan trọng cho các nhà đầu tư và cổ đông.
Task Force on Climate-related Financial Disclosures (TCFD): Khung báo cáo tập trung vào rủi ro và cơ hội tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu. TCFD đưa ra các khuyến nghị giúp doanh nghiệp đánh giá và công khai các tác động tài chính của biến đổi khí hậu đối với hoạt động kinh doanh, đồng thời giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt.
Carbon Disclosure Project (CDP): Hệ thống báo cáo toàn cầu về biến đổi khí hậu, an ninh nước và nạn phá rừng. CDP thu thập dữ liệu từ các doanh nghiệp để giúp họ hiểu rõ hơn về tác động môi trường của mình và phát triển các chiến lược giảm thiểu tác động tiêu cực.
International Integrated Reporting Council (IIRC): Khung báo cáo tích hợp kết hợp thông tin tài chính và phi tài chính để cung cấp cái nhìn toàn diện về giá trị dài hạn của doanh nghiệp. IIRC tập trung vào việc tạo ra một mô hình báo cáo rõ ràng giúp các doanh nghiệp thể hiện cách thức tạo ra giá trị bền vững.
United Nations Global Compact (UNGC): Một sáng kiến của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng các nguyên tắc bền vững trong các lĩnh vực nhân quyền, lao động, môi trường và chống tham nhũng. Doanh nghiệp tham gia UNGC cần báo cáo thường niên về tiến độ thực hiện các nguyên tắc này.
EU Non-Financial Reporting Directive (NFRD) & Corporate Sustainability Reporting Directive (CSRD): Các quy định của Liên minh Châu Âu yêu cầu các công ty lớn báo cáo thông tin phi tài chính liên quan đến ESG. CSRD mở rộng phạm vi áp dụng của NFRD và yêu cầu báo cáo chi tiết hơn, tăng cường trách nhiệm giải trình ESG đối với doanh nghiệp hoạt động tại châu Âu.
Streamlined Energy and Carbon Reporting (SECR): Một quy định của Vương quốc Anh yêu cầu các doanh nghiệp lớn báo cáo chi tiết về mức tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính. SECR nhằm cải thiện tính minh bạch về tác động môi trường của doanh nghiệp và khuyến khích các sáng kiến giảm phát thải.
Bằng cách chọn khung tiêu chuẩn phù hợp, doanh nghiệp có thể cải thiện tính minh bạch, nâng cao uy tín và thu hút đầu tư bền vững.
4. Một số doanh nghiệp nổi bật công bố báo cáo ESG tại Việt Nam
Tại Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện và công bố báo cáo ESG, coi đây là yếu tố then chốt để phát triển bền vững và thu hút đầu tư. Theo báo cáo của PwC về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022-2023, có đến 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết thực hiện ESG trong 2-4 năm tới.
Một số doanh nghiệp tiêu biểu đã công bố báo cáo ESG bao gồm:
Tập đoàn FPT:
Trong báo cáo thường niên FPT năm 2023, Tập đoàn xác định trở thành tập đoàn toàn cầu, luôn cam kết phát triển bền vững, thể hiện qua 4 khía cạnh: Quản trị, Môi trường làm việc, Hoạt động môi trường và Trách nhiệm xã hội.
FPT được Great Place to Work® chứng nhận là “Nơi làm việc xuất sắc”. (Nguồn ảnh: Internet)
FPT được Great Place to Work® - Cơ quan Toàn cầu về văn hóa Nơi làm việc - chứng nhận là “Nơi làm việc xuất sắc” với tỷ lệ 87% nhân viên xem FPT là “Nơi tuyệt vời để làm việc”, vượt trội so với mức trung bình chung của các công ty trên toàn cầu (53%). Trong đó, FPT được CBNV đánh giá cao nhất ở: chỉ số công bằng; môi trường làm việc thân thiện; chỉ số tự hào của CBNV đối với tập thể; chỉ số gắn kết đồng nghiệp; chỉ số hài lòng về lãnh đạo.
Vinamilk:
Vinamilk ra mắt cuốn Báo cáo PTBV đầu tiên vào năm 2012, phát hành tự nguyên và độc lập với báo cáo thường niên. Tại thời điểm đó, chưa có các yêu cầu bắt buộc về lập và công bố báo cáo PTBV. Báo cáo được tham chiếu theo Chuẩn mực Sáng kiến Báo cáo toàn cầu về lập báo cáo PTBV (GRI Standards) được phát hành bởi Global Sustainability Standards Board (GSSB) vào năm 2016, điều chỉnh năm 2021. Đây là chuẩn mực quốc tế và phiên bản mới nhất về lập Báo cáo PTBV.
Báo cáo PTBV của Vinamilk năm 2023 với chủ đề “Để tâm hành động - Net Zero 2050”. (Nguồn ảnh: Internet)
Năm 2023, chủ đề của Báo cáo là "Để tâm thay đổi – Net Zero 2050”, thể hiện các nội dung liên quan đến lộ trình thực hiện mục tiêu Net Zero của Vinamilk như kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064, các đơn vị đạt trung hòa Carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060:2014, các chương trình hành động…
Một số Báo cáo PTBV của Vinamilk qua các năm. (Nguồn ảnh: Internet)
Ngoài ra, Sáng kiến ESG Việt Nam, khởi động từ tháng 1/2024, đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp với hàng loạt các sáng kiến hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9/2024, 10 doanh nghiệp được chọn vào vòng chung kết đã được đào tạo chuyên sâu và tư vấn để xây dựng và hoàn thiện kế hoạch triển khai ESG và chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong việc triển khai ESG tại Việt Nam. Theo một nghiên cứu, chỉ có 28% doanh nghiệp Việt Nam có chỉ số đo lường rủi ro ESG, cho thấy cần có sự nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng và thực hiện các chỉ số đo lường hiệu quả. Việc công bố báo cáo ESG không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật mà còn nâng cao uy tín, thu hút đầu tư và đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.